Cách Nấu Lẩu Mắm Ngon Chuẩn Hương Vị Miền Tây

Lẩu mắm từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Với nguyên liệu dồi dào, dễ kết hợp, lẩu mắm không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn hấp dẫn bởi sự phối màu thú vị giữa các loại thực phẩm với nhau. Đặc trưng của lẩu mắm là nước lèo mắm chưng, đây là loại nước thường được làm từ mắm cá sặc, cá linh hoặc cá trèn, thêm các loại gia vị để bớt đi mùi mắm. Hãy cùng MónNgon!Today vào bếp thực hiện ngay món lẩu mắm đầy hấp dẫn này để cả nhà cùng thưởng thức nhé!

1. Nguyên liệu nấu lẩu mắm

  • Mắm cá linh: 150g
  • Mắm cá sặc: 150g
  • Thịt ba rọi: 300g
  • Thịt heo xay: 100g
  • Thịt heo quay: 300g
  • Thịt bò: 200g
  • Cá hú: 1 con
  • Tôm: 300g
  • Mực: 300g
  • Cá thác lác: 100g
  • Cà tím: 200g
  • Khóm (dứa): 200g
  • Sả: 3 cây
  • Ớt sừng: 10 trái
  • Ớt băm: 3g
  • Sả băm: 30g
  • Hành tím băm: 10g
  • Hành lá: 10g
  • Nước dừa tươi: 500ml
  • Bún tươi: 1kg
  • Rau ăn lẩu: rau muống, bắp chuối bào, bông bí, bông điên điển, bông so đũa, rau nhút, rau đắng, bạc hà, cọng bông súng, kèo nèo…
  • Gia vị: đường phèn, tiêu, hạt nêm, dầu ăn, nước mắm

 

Nguyên liệu của món lẩu mắm

Nguyên liệu của món lẩu mắm

2. Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Thịt ba rọi rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.

– Thịt bò rửa sạch, cắt lát mỏng.

– Cá hú làm sạch, cắt khúc.

– Mực bóc bỏ da, làm sạch rồi cắt khoanh tròn, dùng kéo cắt thành hình bông hoa hoặc khứa vảy rồng cho đẹp mắt.

– Tôm cắt râu, rửa sạch.

– Cà tím bỏ cuống, cắt lát khoảng 1cm. Ngâm cà trong nước muỗi loãng trong 3 phút để cà không bị thâm. Sau đó vớt ra, rửa lại với nước sạch.

– Khóm rửa sạch, cắt lát mỏng.

– Ngâm các loại rau ăn lẩu với nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo.

Các loại rau ăn kèm lẩu mắm làm tăng hương vị và màu sắc cho món ăn.

Các loại rau ăn kèm lẩu mắm làm tăng hương vị và màu sắc cho món ăn.

Bước 2: Nấu nước lèo mắm cá

Bắc nồi lên bếp, cho mắm cá linh và mắm cá sặc vào nồi, thêm 500ml nước lọc và 500ml nước dừa tươi vào rồi nấu sôi. Hớt bỏ phần bọt để nước lèo lẩu mắm được trong. Nấu khoảng 5 phút cho mắm rã hết chỉ còn xương thì nhắc xuống, đem lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ phần xương.

Lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ phần xương của mắm.

Lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ phần xương của mắm.

Bước 3: Làm chả cá thác lác nhồi ớt

– Cá thác lác cho vào tô, dùng chày quết cá cho dai. Kế đến thêm thịt heo xay vào, tiếp tục giã cho đến khi thấy hỗn hợp không còn dính vào chày. Sau đó nêm gia vị gồm 10g hành lá cắt nhỏ, 10g hành tím băm, 3g ớt băm, 20g đường, 10g hạt nêm, 10ml nước mắm, 3g tiêu xay, 10ml dầu ăn, dùng chày quết đều hỗn hợp là được phần nhân.

– Ớt sừng để nguyên cuống, xẻ dọc trái ớt, móc bỏ hạt rồi nhồi nhân vào. Đem chả ớt đi hấp chín trong 5 phút, sau đó chiên chả cho thơm vàng.

Chả cá thác lác nhồi ớt có màu sắc bắt mắt.

Bước 4: Luộc hải sản

Đun sôi 1 lít nước, cho cá, tôm, mực vào luộc chín sau đó vớt ra thả vào thau nước lạnh để hải sản có màu sắc đẹp và độ giòn. Giữ lại nước luộc để nấu lẩu.

Luộc sơ các loại hải sản.

Luộc sơ các loại hải sản.

Bước 5: Nấu lẩu mắm

– Đặt nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, chờ dầu nóng thêm sả băm, tỏi băm, hành tím băm và ớt băm vào. Xào cho các nguyên liệu vàng thơm rồi cho thịt ba rọi vào xào chín.

– Khi thịt đã săn, chế nước luộc hải sản và nước luộc mắm vào nồi, thêm vào 3 cây sả cắt khúc đập dập, đậy nắp lại, đun sôi.

– Khi nồi nước lèo lẩu mắm sôi, cho phần khóm cắt lát vào, khóm sẽ giúp trung hòa vị mặn của mắm và nước lẩu có mùi thơm. Nêm gia vị gồm hạt nêm, đường và nước mắm sao cho vừa khẩu vị. Cuối cùng cho cà tím vào nấu đến khi nước lèo sôi lại, cà tím chín thì tắt bếp.

Cà tím nhanh chín nên cho vào sau cùng để cà không bị mềm nhừ.

Cà tím nhanh chín nên cho vào sau cùng để cà không bị mềm nhừ.

Bước 6: Trình bày và thưởng thức

– Cho hỗn hợp nước lẩu ra nồi nấu lẩu, đặt lên bếp. Dọn chả cá thác lác nhồi ớt và thịt heo quay đã chuẩn bị trước đó. Xếp các loại rau vào dĩa, xếp tôm, mực, thịt bò, cá lên một dĩa khác, xắt ớt, hành lá rắc lên trên.

– Khi ăn, lần lượt nhúng các loại thịt, cá, hải sản và rau sống vào nước lẩu, dùng nóng với bún tươi. Nhớ dọn kèm chén nước mắm me chua ngọt, hay chén mắm ớt để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Thưởng thức lẩu mắm thơm ngon, đúng điệu miền Tây.

3. Bí quyết nấu lẩu mắm ngon

– Mắm cá là thành phần không thể thiếu trong món lẩu mắm. Mắm cá linh tạo độ béo, mắm cá sặc lại có mùi thơm, khi kết hợp hai loại mắm này món lẩu sẽ thơm ngon, chuẩn vị. Lưu ý, bạn nên chọn mắm cá con nhỏ, không tẩm màu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Bên cạnh nước dừa tươi, bạn có thể dùng xương heo hoặc xương gà hầm lấy phần nước lèo để lẩu mắm ngon ngọt hơn.

– Nếu không thích cá hú, bạn có thể thay thế bằng cá lóc, cá bông lau, cá basa, hay cá điêu hồng đều được.

– Các loại rau ăn kèm có thể linh hoạt thay đổi tùy khẩu vị và điều kiện.

4. Thành phẩm

Đây sẽ là món ăn hấp dẫn dùng để chiêu đãi bạn bè và người thân đó!

Đây sẽ là món ăn hấp dẫn dùng để chiêu đãi bạn bè và người thân đó!

Lẩu mắm với mùi hương đặc trưng, nước lèo đậm đà, ngọt thanh. Các nguyên liệu như: thịt, cá, tôm tươi ngon và rau sống thanh mát tạo nên một món ăn dân dã, hội đủ hương sắc, đậm chất ẩm thực đất phương Nam.

Ai một lần đặt chân đến với miền Tây mến thương đều không thể bỏ lỡ thưởng thức món lẩu mắm. Đó là một tinh hoa trong nền văn hóa ẩm thực vốn đã đa dạng và độc đáo của người dân vùng sông nước. Hương vị mắm cùng các loại nguyên liệu tươi ngon luôn kích thích vị giác thực khách. Chúc bạn thành công và ngon miệng với cách nấu lẩu mắm đơn giản này nhé!